Những năm tháng ở ngưỡng tuổi 20, mình có cơ hội gặp gỡ nhiều người và có những mối quan hệ bền vững. Nhiều người nghĩ rằng giao tiếp giỏi là ăn nói khéo nhưng thực tế không có một quy chuẩn nào. Mình là một người hướng nội, mình không khéo ăn nói. Thậm chí đã có khoảng thời gian khá dài, mình cảm thấy bản thân rất chán. Vì thế, mình thường tìm đọc sách về giao tiếp để cải thiện thêm kỹ năng này.
Tuy nhiên, đến bây giờ nếu nhìn nhận về bản thân, mình nhận thấy bản thân có khả năng kết nối với nhiều người thông qua lần gặp đầu tiên. Và để thiết lập một mối quan hệ chất lượng từ tần gặp đầu tiên thì giao tiếp đóng vai trò vô cùng quan trọng. Với mình, người giao tiếp giỏi là người biết cách giao tiếp đạt mục đích chung tùy vào đối phương và hoàn cảnh mà họ tiếp xúc. Dưới đây là những điều giúp mình đã áp dụng để giao tiếp hiệu quả hơn.
Nội dung bài viết
3 Nguyên tắc trong Giao tiếp
Tôn trọng: Mình hiểu rằng mỗi người đều có hoàn cảnh, quan điểm và trải nghiệm riêng. Mình luôn tôn trọng sự đa dạng này và cố gắng hiểu biết về nó. Đặc biệt, mình không phân biệt về địa vị, công việc hay vùng miền. Điều này sẽ giúp tạo ra một môi trường giao tiếp tích cực và hỗ trợ sự hiểu biết lẫn nhau. Học cách tôn trọng quan điểm của đối phương và không phán xét, áp đặt họ phải có suy nghĩ giống mình. Khi học được cách tôn trọng thì bạn cũng đã tránh khỏi những cuộc cãi vã không đáng có.
Chân thành: Sự chân thành thể hiện ở việc bạn không đặt lợi ích của bản thân lên trên hết. Bạn không chỉ tập trung vào nội dung mà còn quan tâm đến người khác bằng cách cố gắng thấu hiểu về cảm xúc, mong muốn và mục tiêu của đối phương. Hãy thể hiển họ biết rằng bạn đang trân trọng, quan tâm và muốn hiểu họ hơn.
Niềm tin: Để thiết lập mối quan hệ chất lượng, niềm tin là yếu tố vô cùng quan trọng. Luôn trung thực với câu chuyện của mình, giữ lời hứa, luôn làm điều bạn nói trong mọi tình huống.
Giao tiếp hiệu quả để thiết lập mối quan hệ chất lượng
Sau đây là những điều vô cùng quan trọng áp dụng trong giao tiếp để quyết định đến việc bạn có thể thiết lập mối quan hệ với ai hay không.
1. Tập trung vào chủ đề chung
Chủ đề chung là một phần quan trọng trong việc giao tiếp hiệu quả và xây dựng mối quan hệ với người khác. Khi có chủ đề chung, người ta dễ dàng tìm ra điểm giao nhau, từ đó cuộc chuyện trò thú vị hơn và dễ dàng thấu hiểu ý kiến của nhau.
Một trong những cách tốt nhất để tìm ra chủ đề chung là thông qua sở thích. Ví dụ, nếu cả hai đều thích đọc sách, bạn có thể trò chuyện về các đầu sách. Ngoài ra, cuộc sống hàng ngày cũng có rất nhiều chủ đề chung mà cả hai bạn có thể trò chuyện. Ví dụ: Nếu cả hai bạn đều là sinh viên, bạn có thể chia sẻ về trải nghiệm học tập, các môn học yêu thích, hoặc các hoạt động ngoại khóa gần đây. Hoặc nếu cả hai bạn đều làm việc trong ngành sáng tạo nội dung, bạn có thể trò chuyện về các xu hướng mới, các dự án thú vị, hoặc các ứng dụng phát triển hỗ trợ công việc… Điều này không chỉ giúp bạn tìm ra điểm giao nhau mà còn tạo ra cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm và ý kiến của mình.
Tuy nhiên, không phải ai lần gặp đầu tiên chúng ta cũng đã có chủ đề chung. Một cách để mình áp dụng đó chính là dựa theo độ tuổi để dễ trò chuyện hơn.
- Nếu nói chuyện với người già, mình thường trò chuyện về sức khỏe, con cái và những điều họ đã trải qua.
- Nếu nói chuyện với những ai độ tuổi trung niên, thường sẽ tập trung vào công việc, gia đình, quản lý tài chính và sở thích.
- Độ tuổi từ 20-30 thường chia sẻ về công việc, học tập và phát triển bản thân.
- Với trẻ em, mình sẽ hỏi về chuyện thường ngày, niềm vui của trẻ.
2. Chia sẻ câu chuyện cá nhân
Câu chuyện là một cách tuyệt vời để kết nối với người khác và làm cho cuộc giao tiếp của bạn thú vị hơn đồng thời mang dấu ấn cá nhân hơn. Bạn có thể chia sẻ những câu chuyện cá nhân, những trải nghiệm thú vị hoặc những bài học quý giá mà bạn đã học được từ cuộc sống.
3. Lắng nghe chú tâm
Cũng một phần vì tính cách hướng nội nên thông thường mình là người lắng nghe nhiều hơn. Nhưng không vì thế mà làm mất đi sự tự nhiên. Mình nhận thấy có nhiều người có nhu cầu muốn chia sẻ và giải tỏa những câu chuyện của bản thân. Lắng nghe không hề đơn giản mà ở đó cần có tình yêu thương, có sự quan sát và sự kiên nhẫn. Mình sẽ không ngắt lời hay đổi chủ đề mà để cho đối phương nói hết ý.
Sau mỗi cuộc trò chuyện, mình thường nhận lại những phản hồi tích cực chẳng hạn “Nói chuyện với mình cảm thấy thoải mái và tích cực.” hay “Lần đầu nói chuyện quên cả thời gian” và nhận thấy niềm vui trong đối phương. Ừ thì lúc đó mình cũng cảm thấy hạnh phúc được nhân đôi.
4. Chọn lọc ngôn từ
Mỗi ngày, chúng ta sẽ phải giao tiếp với nhiều người khác nhau. Chính vì thế, ngôn ngữ sử dụng cần phải phù hợp trong từng ngữ cảnh. Khi nói chuyện với người lớn tuổi hay khách hàng, câu từ chúng ta sử dụng sẽ khác với bạn bè thân thiết. Trong mọi cuộc giao tiếp, mình sẽ cố gắng sử dụng những ngôn từ tích cực và dễ hiểu.
5. Tận dụng ngôn ngữ hình thể
Trong quá trình giao tiếp, mình thường tận dụng ngôn ngữ hình thể thông qua ánh mắt. Luôn nhìn vào người đối diện để truyền thêm cảm xúc cũng như nhận biết đối phương nhiều hơn. Một nụ cười trên môi sẽ tạo nên cảm giác gần gũi hơn là một gương mặt lạnh lùng. Bên cạnh đó, cử chỉ giật đầu nhẹ khi lắng nghe cũng rất có tác dụng. Điều này thể hiện mình đang chăm chú, mình đang quan tâm và nghe câu chuyện của họ từ đó họ sẽ mở lòng để trò chuyện sâu hơn.
Thử tưởng tượng, nếu bạn đang nói mà người đối diện không thể hiện hay phản ứng gì, bạn có thay đổi thái độ, dần thu mình lại?
6. Đặt câu hỏi đúng trọng tâm
Khi người đối diện nói, mình sẽ tập trung vào câu chuyện của họ, phân tích và đưa ra những câu hỏi liên quan đến câu chuyện đó. Hoặc những câu hỏi mang tính chiêm nghiệm và mở ra một không gian cho trao đổi ý kiến sâu sắc. Chẳng hạn:
- “Bạn cảm thấy thế nào khi trải qua tình huống đó và có những bài học gì?“
- “Điều gì đã thúc đẩy bạn quyết định như vậy?“
- “Làm thế nào bạn đã xử lý tình huống đó?”
7. Sự khiêm tốn
Đây là kinh nghiệm cuối cùng nhưng vô cùng quan trọng. Một số người tự cho rằng mình biết hết mọi thứ; nói thao thao bất tuyệt, hoặc đề cao bản thân nhiều quá sẽ làm cho người khác có ấn tượng không tốt về mình. Thực tế, mình không muốn kết giao với những người tự cao tự đại như trên thế nên mình không thể nào cư xử một cách ngạo mạn như vậy. Thay vào đó, mình luôn giữ một thái độ khiêm nhường và sẵn lòng học hỏi từ người khác.
Với những điều mình áp dụng trên đây hiệu quả, chỉ cần một cuộc trò chuyện mình tin bạn đã có thể khiến đối phương tin tưởng, có sự kết nối và thiết lập mối quan hệ với bạn. Tuy nhiên, số lượng không quan trọng bằng chất lượng nên chỉ khi cảm thấy phù hợp hãy cứ chủ động và thể hiện đúng con người của mình nhé.
Mình hy vọng với những kinh nghiệm của mình có thể giúp bạn phần nào rèn luyện kỹ năng giao tiếp để có thể tạo lập những mối quan hệ lành mạnh giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
Cảm ơn bạn đã đón đọc viết chia sẻ của mình. Đừng quên theo dõi những bài viết sau của mình nhé!
Xem thêm: