Hiểu Mình Để Định Hướng Và Chọn Nghề Nghiệp Phù Hợp

by Diên Vĩ

Trong cuộc sống, chúng ta thường đối diện với những lựa chọn quan trọng. Trong đó, việc chọn nghề nghiệp không phải lúc nào cũng dễ dàng. Chính bản thân mình cũng từng như thế, từng không có mục tiêu và định hướng nào cả. Mình tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Anh nhưng rồi cũng làm nhiều công việc khác nhau để tìm kiếm công việc phù hợp với mình. Sau một hành trình dài, mình đã tìm cho mình một đích đến phù hợp đó là công việc dạy học và sáng tạo nội dung. Vì vậy, bài viết này mình mong muốn chia sẻ bài học và kinh nghiệm của bạn thân giúp bạn có thêm góc nhìn cũng như tiếp thêm động lực để các bạn có kế hoạch tốt cho bản thân.

Thực trạng chung

Đứng trước ngưỡng 18 tuổi, mình cũng như bao học sinh phân vân, lo lắng không biết nên chọn ngành nào, trường nào để học. Có học sinh nghe theo sự sắp xếp của bố mẹ, có học sinh chọn một ngành bởi học giỏi một môn học thuộc ngành đó. Có học sinh chọn ngành bởi nghĩ rằng ngành đó ra trường cơ hội việc làm sẽ cao.

Không ít các bạn sinh viên cho đến năm học cuối cùng vẫn chẳng biết mình sẽ làm gì sau khi ra trường, mình giỏi cái gì, mình sẽ thuộc về đâu.

Hay thậm chí ở ngưỡng 30, sau nhiều năm đi làm, nhiều người cảm thấy chán chường công việc, muốn tìm kiếm cho mình hướng đi mới nhưng không biết bắt đầu từ đâu.

Đáng buồn hơn là trước tình hình khủng hoảng khinh tế của thị trường, mình chứng kiến nhiều người ở độ tuổi trên 35 bị sa thải sau nhiều năm gắn bó với công ty.

Rồi khi không thể định hướng nghề nghiệp rõ ràng bạn lại tự trách chính mình, lại tiếp tục vòng lặp không có định hướng, mục tiêu.

Sau nhiều năm trải qua và tìm hiểu về hướng nghiệp, mình cũng đã giúp một số bạn định hướng và đúc kết công thức chung mà rất nhiều người đã áp dụng thành công. Hiểu rõ bản thân mình là điều cốt lõi nhất để định hình con đường sự nghiệp. Trên con đường tìm kiếm nghề nghiệp phù hợp, ba yếu tố quan trọng cần được xem xét kỹ lưỡng đó là sở thích cá nhân, kỹ năng bạn giỏi và khả năng kiếm tiền.

1. Sở thích của bạn là gì?

Sở thích đơn giản là những điều bạn cảm thấy hứng thú và có thể duy trì mỗi ngày. Làm việc trong lĩnh vực mà bạn đam mê sẽ giúp bạn cảm thấy hạnh phúc và hài lòng hơn trong công việc hàng ngày.

Để tìm ra sở thích đòi hỏi bạn phải thật tập trung, dành thời gian tự quan sát chính mình để hiểu mình.

Ví dụ, có bạn thích viết lách, có bạn thích vẽ, có bạn thích chụp hình, có bạn thích trang điểm…

Sở thích viết lách

Sau đây là những gợi ý sở thích và công việc liên quan:

  • Viết lách: Content writer, nhà báo, tác giả sách…
  • Đọc sách: Book reviewer, biên tập sách…
  • Lập kế hoạch và tổ chức sự kiện: Quản lý sự kiện, nhà tổ chức sự kiện, chuyên viên marketing sự kiện…
  • Nấu ăn: Đầu bếp, kinh doanh đồ ăn, food stylist…
  • Chụp hình: Photographer, editor…
  • Thể thao và thể dục: PT, chuyên gia dinh dưỡng thể thao, vận động viên…
  • Du lịch và khám phá: Hướng dẫn viên du lịch, travel blogger…
  • Thủ công: Người làm đồ handmade…
  • Học và nghiên cứu: Giáo viên, nhà nghiên cứu, chuyên gia đào tạo…

Tuy nhiên, một điều thực tế rằng sở thích có thể thay đổi theo thời gian. Chẳng hạn, mình tùng có sở thích học ngoại ngữ và mãi vài năm sau khi đi làm mình mới bắt đầu sở thích với viết lách. Công việc liên quan đến sở thích của mình là dạy tiếng Anh và làm Content Writer.

Việc của bạn cần làm là hãy liệt kê các sở thích hằng ngày của bạn và các ngành nghề gắn với sở thích của bạn càng chi tiết càng tốt.

2. Khả năng kiếm tiền? Nhu cầu của xã hội

Sau khi xác định sở thích của bản thân và các nghề gắn liền với sở thích đó, bạn cần cân nhắc khả năng kiếm tiền của nghề.

Kiếm tiền luôn là nhu cầu cơ bản của mỗi người trong cuộc sống. Cho dù bạn thích nhưng công việc đó nhưng không kiếm được nhiều tiền hay dưới mức trang trải của bạn cũng sẽ khiến bạn áp lực và sớm từ bỏ. Một công việc tốt sẽ đem lại cho bạn thu nhập tốt để ổn định và nâng cấp cuộc sống. Tuy nhiên, bạn cần đưa ra một khoảng giới hạn về mức độ hài lòng. Có thể một tháng 10 triệu hoặc 20 triệu hoặc nhiều hơn. Mức bao nhiêu tùy thuộc vào bạn miễn sao bạn thấy đủ và hài lòng.

Để kiếm tiền bạn cần hiểu rằng: Tiền là giá trị trao đổi giữa bạn và khách hàng. Bạn trao đổi kiến thức, kỹ năng, sản phẩm, dịch vụ của bản thân để giải quyết vấn đề của khách hàng.

Và một yếu tố quan trọng sau quá trình mình làm sáng tạo nội dung đó là Sức ảnh hưởng.
Càng phục vụ nhiều khách hàng cùng với sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao sẽ đem đến cho bạn thu nhập càng cao.

Giá trị + Sức ảnh hưởng càng lớn = Thu nhập càng lớn

Xã hội đang cần và phát triển theo xu hướng nào?

Đây là một câu hỏi cần quan tâm. Với sự phát triển của công nghệ, dĩ nhiên các ngành nghề liên quan đến Công nghệ sẽ có nhiều tiềm năng và chiếm ưu thế hơn. Tuy nhiên, suy cho cùng học và làm ngành nghề nào cơ hội cũng như nhau nếu ở mỗi nghề chúng ta làm đủ lâu, kiến thức và kinh nghiệm càng tăng thì cơ hội càng mở rộng.

Khi bạn đã cân nhắc được 2 yếu tố trên đây và cảm thấy ổn, việc tiếp theo của bạn là cân nhăc yếu tố thứ ba.

3. Bạn giỏi kỹ năng gì? Kỹ năng cần thiết cho công việc?

Từ việc nhận ra những sở thích, việc tiếp theo là lên chiến lược và kế hoạch để trui rèn kỹ năng của bản thân. Để chọn nghề phù hợp, cùng với sở thích, bạn cần xác định những kỹ năng mà bạn giỏi và những kỹ năng mà bạn cần phát triển. Mỗi nghề nghiệp đều yêu cầu một tập hợp đặc điểm và kỹ năng riêng.

Ví dụ, nếu bạn thích và có kỹ năng viết lách muốn hướng đến làm Content Writer, bạn cần có thêm các kỹ năng khác: Kỹ năng nghiên cứu và phân tích, kỹ năng Tâm lý học, kỹ năng Sáng tạo…

Ngoài những kỹ năng thuộc về chuyên môn, không thể không kể đến những Kỹ năng High- income quan trọng trong thời đại Thông tin hiện nay, như:

  • Kỹ năng Ngoại ngữ
  • Kỹ năng Bán hàng
  • Kỹ năng Viết, Edit
  • Kỹ năng Nói trước công chúng
  • Kỹ năng sử dụng AI

Quan trọng hơn nữa, nếu bạn muốn hướng đến nguồn thu nhập thụ động, hãy kinh doanh bằng cách tạo cho mình một sản phẩm, dịch vụ online chất lượng và phục vụ càng nhiều người các tốt. Với mình, việc kinh doanh sản phẩm số là Ebook “Content cho người mới bắt đầu” đã giúp mình có thêm thu nhập thụ động và tăng thêm cơ hội để phục vụ chuyên sâu cho khách hàng.

Một công việc lý tưởng sẽ là tổng hòa của ba yếu tố trên: sở thích của bạn, các kỹ năng bạn giỏi và khả năng kiếm tiền của một ngành nghề. Xác định rõ 3 yêu tố trên, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc định hình con đường sự nghiệp của mình.

Dám thử nghiệm và khám phá
Luôn nhớ rằng không có lựa chọn nghề nghiệp nào an toàn hay ổn định đặc biệt trước thời thế biến đổi nhanh chóng, với sự phát triển của công nghệ như hiện nay.

Việc của bạn là giữ tâm thế luôn sẵn sàng học hỏi và trau dồi năng lực của bản thân để mang lại nhiều giá trị hơn. Từ đó, sống có ý nghĩa và hạnh phúc hơn với công việc của chính mình.

Trên đây là những kiến thức, bài học và kinh nghiệm mình đúc rút sau hơn 5 năm làm việc kể từ sau khi tốt nghiệp. Hy vọng phần nào đó sẽ giúp ích đến bạn trong việc định hướng nghề nghiệp. Nếu bạn có những băn khoăn hay thắc mắc nào đừng ngần ngại liên hệ với mình nhé.

Cảm ơn bạn đã đón đọc bài viết.🖤

Xem thêm:

You may also like

Leave a Comment