Sau khi rời khỏi cánh cổng trường Đại học, mình bắt đầu một công việc văn phòng. Nhớ lại thời điểm ấy, mình cứ nghĩ học xong Đại học có nghĩa là mình không cần phải học gì nữa, cùng lắm chỉ là học cách để làm việc hiệu quả hơn. Mình cứ nghĩ chỉ cần cố gắng hoàn thành công việc và sẽ gắn bó với công việc văn phòng suốt đời. Nhưng giờ đây, sau nhiều năm, thói quen, suy nghĩ, công việc… của mình đã thay đổi. Và chính việc Tự học đã góp phần tạo nên sự thay đổi này.
Sự Tự học của mình diễn ra kể từ khi rời khỏi giảng đường Đại học phải kể đến là thời điểm mình bắt đầu sống ở Nhật. Bước sang một đất nước mới mình như một đứa trẻ học tất cả mọi thứ về cuộc sống: Ngôn ngữ, văn hóa… Mình phải học cách quan sát và lưu tâm mọi điều trong cuộc sống thường ngày. Cuộc sống ở Nhật đã khiến mình đã tìm lại được niềm đam mê đọc sách, niềm khao khát được học. Cũng như trên hành trình theo đuổi và trở thành một người làm Sáng tạo nội dung, bên cạnh những khóa học mình thường chia sẻ thì quá trình tự học diễn ra liên tục.
Giờ đây với mình, sự Học là hành trình cả một đời, và sự Tự học sẽ luôn là hành trang quý giá trên cuộc hành trình chinh phục tri thức rộng lớn.
Tự học thế nào? Tự học làm sao để hiệu quả?
Trong bài viết này, mình sẽ đúc kết lại tất tần tật kinh nghiệm về kỹ năng Tự học của mình.
Nội dung bài viết
Tầm quan trọng của việc Tự học
Để hiểu vì sao cần Tự học chúng ta cần hiểu rõ ảnh hưởng của việc Tự học như thế nào. Sau đây là những điều quan trọng mà việc Tự học mang lại cho chúng ta:
- Khả năng thích nghi với thay đổi: Trong thế giới đầy biến đổi nhanh chóng, khả năng tự học giúp chúng ta thích nghi và tiếp tục phát triển ngay cả khi môi trường xung quanh thay đổi. Chẳng hạn, trước sự chứng kiến về sự đột phá về trí tuệ nhân tạo. Chúng ta phải bắt kịp xu thế, học cách học tập và làm việc cùng với AI là một điều vô cùng cần thiết.
- Tiếp thu kiến thức mới: Khả năng Tự học cho phép chúng ta không ngừng cải thiện kiến thức và kỹ năng của mình.
- Tự chủ và quản lý bản thân: Tự học giúp mỗi người có khả năng chủ động lên kế hoạch học tập, chọn lọc nguồn tài liệu và quản lý thời gian của mình.
- Tư duy sáng tạo: Kỹ năng tự học thường đi kèm với khả năng tư duy sáng tạo, giúp áp dụng kiến thức vào thực tế một cách linh hoạt.
- Sự Kỷ luật và sự Kiên trì: Tự học là một việc rất khó, không có ai trực tiếp dạy và chỉ bảo. Chúng ta phải tự lực cánh sinh: Tự mình tìm kiếm, học qua nhiều nguồn khác nhau qua thời gian dài đòi hỏi rất nhiều sự kiên trì và kỷ luật.
- Tự học giúp phát triển bản thân: Tự học không chỉ là việc học kiến thức mà còn là quá trình phát triển bản thân toàn diện, từ kiến thức, kỹ năng mềm trên đến khả năng quản lý cảm xúc.
Những điều giúp mình Tự học hiệu quả hơn
Học có chủ đích
Thế giới quá rộng lớn, có quá nhiều thứ để học và thời gian của mỗi chúng ta đều có hạn. Thế nên, trước khi Tự học cần phải hiểu rõ mình muốn học cái gì? Đơn giản thiếu gì học đó. Chưa tốt cái gì thì học cái đó. Và việc học này sẽ đem lại kết quả gì? Bởi suy cho cùng đâu ai có nhiều thời gian để học tất cả mọi thứ cho biết mà quan trọng hơn là chúng ta cần học gắn với thực hành, gắn với kết quả.
Chẳng hạn: Bạn là một người trái ngành thích viết, muốn học Content để có việc làm.
Một người tự ti, giao tiếp kém muốn học về kỹ năng giao tiếp để giao tiếp tốt hơn.
Và việc học này phù hợp với nhu cầu của bản thân.
Học với một tâm thế đúng đắn
Với riêng mình, việc Tự học xuất phát từ khao khát được học, từ nhu cầu công việc và sở thích cá nhân. Thật sự mình không thể học tốt với một sự thúc ép. Cũng như khi dạy học sinh, mình luôn muốn học sinh hiểu rõ bản chất, tầm quan trọng của việc học tiếng Anhvà giúp cho trẻ học tiếng Anh với một niềm thích thú, khi đó việc học trở nên thú vị và ý nghĩa hơn. Hoặc với những ai có tính kỷ luật cao sẽ có thể tự ép mình vào khuôn khổ để học. Cho dù thế nào cũng nên có một thái độ nghiêm túc, không hời hợt.
Làm sao để Tự học hiệu quả ?
Xác định mục tiêu
Sau khi biết được cái cần học: kiến thức chuyên môn, kỹ năng…và mục đích của việc học này. Bạn cần lên mục tiêu và kế hoạch rõ ràng. Mục tiêu học tập giúp tập trung vào những gì quan trọng và cần thiết.
Cũng như cùng ví dụ trên bạn sẽ đặt mục tiêu: Sẽ học về Content và có một công việc sau 6 tháng với thu nhập 5 triệu/tháng.
Bạn có thể thấy, khi việc học được đặt ra với những con cụ thể, con đường đi của bạn sẽ dần rõ ràng hơn.
Viêc Tự học là việc mà chúng ta tự giác, không bị ai thúc ép, chúng ta học bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào, không bị giới hạn thời gian, Từ khóa ở đây là SỰ TẬP TRUNG VÀ HỌC NHANH TRONG MỘT THỜI GIAN.
Khi không đưa ra một thời gian cụ thể, việc học của mình dễ bị trở nên lơ đãng và mất nhiều thời gian vì không có sự kỷ luật. Chẳng hạn: bạn muốn lấy gốc tiếng Anh, bạn biết chắc mình sẽ học tiếng Anh nhưng không đặt ra thời gian giới hạn trong vòng bao lâu, hay đơn giản nghĩa rằng cứ học rồi sẽ lấy lại căn bản. Rõ ràng một người biết rõ mình muốn lấy gốc tiếng Anh sẽ định hướng rõ học trong bao lâu- 3 hoặc 4 tháng từ đó cố gắng hoàn thành nhanh hơn so với một người không biết mình sẽ lấy gốc trong vòng bao lâu.
Khi xác định mục tiêu học mình cần đưa ra thời gian cụ thể.
Tự học ở đâu? Chọn lọc tài liệu như thế nào?
Chia sẻ về quá trình tự học của mình lúc còn là sinh viên: Từng là một sinh viên ngành ngôn ngữ , mình cảm thấy may mắn vì được học từ các giảng viên đã từng du học và giảng dạy ở nước ngoài. Ở các nước phương Tây, họ luôn đề cao sự tự lập và tự học. Hầu hết thầy cô trường mình đều áp dụng phương pháp: để sinh viên chúng mình chủ động tự học, đọc bài và chuẩn bị bài trước ở nhà. Khi lên lớp chúng mình sẽ nghe Giảng viên giảng lại và thường tập trung vào việc giải đáp thắc mắc của sinh viên cũng như phản biện. Với cách học này đồng nghĩa chúng mình đã được học lần 2 và kiến thức sẽ được tiếp nạp dễ dàng hơn, nhớ lâu hơn. Không phải phụ thuộc quá nhiều vào giáo viên. Nếu bạn đang là sinh viên, hãy cố gắng áp dụng nhé.
Bây giờ, là một người đi làm, chắc hẳn nhiều bạn có cảm nhận rõ rệt giống mình “thời gian không có nhiều như hồi sinh viên. Để có tư duy học một thứ gì đó mới phải rất cố gắng.” Sự chủ động, sự kỷ luật, tinh thần cầu tiến và bạn cần cân đối giữa việc học và làm.
Mình tự học thông qua qua những nguồn học dưới đây:
- Học qua những người đứng đầu trong lĩnh vực: Mình có thể dễ dàng kết nối bằng cách Follow kênh mạng xã hội của họ để học hỏi, hoặc có thể email, tìm Mentor dẫn dắt.
Học qua các khóa học: Nếu có điều kiện, cứ đăng ký để theo học các khóa học. Hiện nay có rất nhiều kênh học online dạy miễn phí. Chất lượng tốt hơn nhiều khóa học mất phí. - Học qua sách: Đây là một nguồn học chính của mình. Vừa có sở thích đọc sách vừa kết hợp cùng việc học từ sách giúp mình có hứng thú hơn. Ở sách, mình được cung cấp cơ sở lý thuyết và kiến thức thực tiễn rất đáng tin cậy. Mình đã đầu tư khá nhiều trong việc mua sách học ngoại ngữ và Content.
- Tham gia cộng đồng học tập: Đây là cách rất phổ biến hiện nay. Khi tham gia cộng đồng, mình có thể dễ dàng học hỏi từ những chia sẻ của những người có chuyên môn, trao đổi cùng những người có cùng sở thích và dễ dàng hỏi những thắc mắc của chính mình. Đặc biệt hơn cả là khi ở trong một môi trường sẽ khiến mình có động lực học hay là sự khích lệ mỗi lúc mất kiên trì, chán nản.
- Học qua các buổi Workshop, Webinar: Với sự phát triển của mạng xã hội. Mình nhận thấy nhiều người đang cố gắng xây dựng Thương hiệu cá nhân, xây dựng uy tín bằng cách chia sẻ giá trị thông qua các buổi Workshop như thế này. Không bỏ lỡ cơ hội, mình luôn lựa chọn Workshop theo nhu cầu học và đăng ký tham gia.
Trong tháng 11 này, mình đã tham gia một buổi offline của anh Phùng Đức ở Đà Nẵng, mình đã nhận lại rất nhiều kiến thức thực tế về Affiliate. Mình học thêm về Tiktok thông qua việc đăng ký chiến dịch DC Group và những Idol tập sự.
Đặc biệt, sắp tới mình cũng sẽ tham gia một khóa học “Chiến lược cuộc đời” trọn 3 ngày của diễn giả Dương Xuân Phi. - Học qua Youtube, Podcast: Mình thường có thói quen nghe 1 podcast và Youtube mỗi ngày. Mình thường nghe Podcast của cô Nguyễn Phi Vân và Have a Sip.
- Tự học qua các cuộc trò chuyện trong cuộc sống thường ngày: Những buổi cafe cùng bạn bè, những buổi dạy học cùng học trò đều cho mình góc nhìn khác nhau. Tích cực lắng nghe và đặt ra những câu hỏi giúp mình học được nhiều hơn. Với tư duy “Chiếc ly rỗng” dù gặp bất kỳ ai mình cũng đều sẵn sàng đón nhận và học hỏi từ họ. Đây là cách thu thập kiến thức một cách tự nhiên từ những trải nghiệm thực tế.
Không bị giới hạn bởi nguồn học cụ thể, bạn có thể xây dựng kiến thức theo cách của riêng mình.
Quá trình Tự học của mình diễn ra như thế nào?
Quá trình học của mình sẽ diễn ra liên tục với trình tự sau:
Tự học- Đúc kết-Thực hành đến khi có kết quả- Chia sẻ
Tự học: Mình học từ nhiều nguồn, học từ kiến thức tổng quan rồi bước vào kiến thức chuyên sâu:
Chẳng hạn khi học Content mình phải bắt đầu hiểu được Tư duy của người làm Content, các khái niệm cơ bản, các vị trí, biết các dạng Content rồi từ đó mới đi sâu học từng dạng Content.
Trong quá trình học, mình sẽ cố gắng chọn lọc những thông tin quan trọng và ghi chép lại.
Đúc kết: Sau khi học xong mình sẽ tổng hợp lại tất cả các kiến thức, đọc lại tất cả rồi bắt đầu tạo ra một khung mẫu cho riêng minh.
Thực hành đến ra kết quả: Quá trình thực hành chắc chắn sẽ khó hơn lý thuyết. Trong quá trình thực hành, mình luôn cố gắng quan sát, phân tích. Chỗ nào tốt rồi sẽ cố gắng phát huy, chỗ nào chưa được sẽ cố gắng khắc phục cho đến khi ra kết quả tốt.
Chia sẻ: Mình đã từng lầm tưởng rằng, chỉ khi giỏi mới chia sẻ nhưng thật sự việc chia sẻ mang lại rất nhiều giá trị. Mình nhận thấy nhiều người đang định vị được bản thân thông qua việc chia sẻ trong quá trình học. Theo thời gian, trí nhớ của chúng ta ngày bị giảm đi, lượng kiến thức chúng ta vơi dần. Mình cần chia sẻ để vừa được cho và vừa được nhận. Trong quá trình chia sẻ, mình cần phải chuẩn bị kỹ càng và đó là cơ hội để mình ôn lại kiến thức một lần nữa. Khi chia sẻ kiến thức, mình đòi hỏi phải tự học thêm những kiến thức mới, nâng cấp và phát triển bản thân. Bởi vậy, mình tin rằng “Chia sẻ là cách dạy và cũng là cách học tốt nên áp dụng.”
Vậy Kỹ năng Tự học có phải là kỹ năng quan trọng nhất?
Khi nhắc đến các kỹ năng, chúng ta sẽ thường nghe đến các kỹ năng như: Kỹ năng giao tiếp, Kỹ năng Thuyết trình, Kỹ năng Quản lý Thời gian… bạn đã bao giờ nghĩ đến Kỹ năng Tự học? Thật khó để nói kỹ năng nào quan trọng hơn kỹ năng nào vì phải xét theo góc độ cá nhân. Nếu nhìn một cách tổng thể có thể thấy rằng: Mọi kiến thức và kỹ năng đều cần sự bổ trợ của Kỹ năng Tự học. Khi bạn làm chủ được kỹ năng này ắt bạn sẽ biết cách để cải thiện và học tốt các kiến thức và kỹ năng khác. Từ đó, tạo ra một nền tảng vững chắc cho việc phát triển và học tập liên tục trong cuộc sống. Bạn có đang tự học?
Sau tất cả những kinh nghiệm mình chia sẻ trên đây, có thể thấy nó rất căn bản nhưng chính những điều căn bản như này mình mới có thể áp dụng hiệu quả trong cuộc sống. Chúng ta tốt hơn từ những điều nhỏ nhặt chứ chẳng phải những điều quá lớn lao. Mỗi ngày cố gắng học một ít, tích tiểu thành đại để rồi một ngày bạn sẽ nhận ra sự thay đổi tích cực của bản thân. Hy vọng rằng thông qua bài viết, bạn sẽ tìm thấy được nguồn động lực, lấy lại được tinh thần học tập và có thể tự học để bồi đắp những thiếu sót, tiếp thu tri thức trên hành trình của chính mình.
Cảm ơn bạn đã đón đọc bài viết. Mình rất vinh dự được đồng hành trên con đường học tập, phát triển bản thân để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Xem thêm: Top 10 Kỹ năng GenZ cần rèn luyện