Làm gì khi không biết mình thích gì, giỏi gì?

by Diên Vĩ

Đây chắc hẳn là câu hỏi rất nhiều bạn đặt ra và không chỉ riêng mình. 

Câu chuyện của mình

Kể về mình…

Vào những tháng cuối cùng trên giảng đường Đại học, mình chẳng định hình mình sẽ làm công việc gì với tấm bằng cử nhân ngành ngôn ngữ Anh. Trong suy nghĩ hồi đó, mình không thích nghề giáo viên mà thích công việc văn phòng.

Vào ngày hội Tuyển dụng được tổ chức ở trường, mình đã ứng tuyển vào vị trí Tư vấn viên cho một Trung tâm tiếng Anh tại Đà Nẵng. Sau khi phỏng vấn, mình đã được báo đậu vị trí. Kết thúc chương trình học tại trường dù khi đó chưa nhận bằng, mình nhanh chóng sắp xếp mọi thứ rời Huế để vào Đà Nẵng làm việc. 

Rồi sau một thời gian, khi bắt đầu công việc, mình nhận thấy không phù hợp và xin đã nghỉ. Để rồi trong đầu lại suy nghĩ mình sẽ làm công việc gì, cảm thấy mông lung vô cùng.

Một lần tiếp theo, mình cũng được nhận vào làm tại một Tổ chức giáo dục, nhưng rồi trong những ngày thử việc, mình đã xin nghỉ vì công việc nhàn. Thực ra, trước khi đưa ra quyết định nghỉ việc mình đã phải suy nghĩ rất nhiều.

Về sau, mình gắn bó công việc dịch thuật và xử lý hồ Visa cho một công ty Du học hơn một năm.

Rồi… Mình đã quyết định đi Nhật. Chính trên hành trình này đã tạo nên những bước ngoặc lớn trong cuộc sống của mình.

Sau khi đi Nhật trở về vào năm ngoái, công việc của mình là dạy tiếng Anh và Content Creator. Mình nghĩ hiện tại mình đã tìm được công việc phù hợp với bản thân. Công việc dạy học- Công việc vốn dĩ trước đây mình không thích nhưng giờ đây mình lại thấy yêu nó bởi mình vừa làm đúng ngành, đúng chuyên môn và đặc biệt mình rất yêu trẻ con. Công việc sáng tạo nội dung đúng với giá trị mà bản thân tìm kiếm bấy lâu nay. Mình có thể tự do sáng tạo, trao đi những giá trị đến nhiều người hơn và luôn luôn phải trau dồi bản thân.

Và bạn có đã từng hoặc đang trải qua cảm giác như vậy? Bạn nghĩ mình không thích gì, giỏi gì, rồi còn có xu hướng đánh giá thấp bản thân. Mất định hướng cho tương lai. Bản thân mình cũng đã từng trải qua nên hiểu rõ. Sau bấy nhiêu thời gian, mình luôn sống trong những câu hỏi và đi tìm chính mình. Thậm chí nhiều lúc mình đã hoài nghi bản thân.

Đây cũng là câu nói quen thuộc, một tình trạng khá phổ biến mỗi khi mình tiếp với nhiều bạn sinh viên hỏi về quyết định chọn ngành, chọn nghề. Hôm nay, mình chia sẻ câu chuyện cá nhân để bạn không phải mất quá nhiều thời gian giống mình và học được điều gì đó giúp cho bản thân.

Sau đây là những điều mình đã đúc kết được, bạn hãy thử tham khảo để vượt qua tình cảnh này nhé.

Lắng nghe bản thân để thấu hiểu bản thân

Một trong những điều quan trọng nhất trong mọi quyết định là bạn phải thật hiểu mình. Khi lựa chọn công việc,  liệu bạn đã thử hướng vào bên trong, tập trung vào chính mình hay chỉ nhìn vào thế giới bên ngoài, chỉ nhìn vào nhu cầu của xã hội. Thực sự thấu hiểu bản thân thì bạn mới có được câu trả lời rõ ràng nhất, mới đưa đến cho bạn sự định hướng  lâu dài.

Hãy thật chậm suy nghĩ và trả lời những câu hỏi sau đây:

  • Đâu là điểm mạnh, điểm yếu của bạn?
  • Điều gì khiến bạn hạnh phúc trong công việc?
  • Bạn có xu hướng làm việc một mình hay làm việc tập thể?
  • Bạn có hình mẫu, công việc nào mà bạn muốn hướng đến?

Hãy viết câu trả lời và suy nghĩ về chúng. Chắc chắn dần dần bạn sẽ hiểu rõ chính mình và rõ ràng hơn trong những định hướng sắp tới.

Làm các bài tập về tính cách 

Trước đây, mình từng apply một Công ty và Công ty đã cho mình làm bài Trắc nghiệm tính cách DISC để xem hiệu có phù hợp không trước khi phỏng vấn trực tiếp. Và đây cũng là một cách được rất nhiều trường học định hướng nghề nghiệp cho sinh viên, một số nhà tuyển dụng vẫn áp dụng trong quy trình Tuyển dụng nhân sự.

Bài Trắc nghiệm Tính cách DISC định hướng nghề nghiệp- Nguồn ảnh: test-guide

Ngoài ra còn có các bài trắc nghiệm tính cách nhằm giúp thấu hiểu bản thân, định hướng nghề nghiệp như Trắc nghiệm tính cách MBTI, tìm hiểu về Ikigai…

Nói chuyện với nhiều người để tìm hiểu về công việc của họ

Bạn cũng nên tìm đến bạn bè, người thân, những người xung quanh để tìm hiểu cụ thể hơn về công việc họ làm, vì họ đã người làm nên họ sẽ có những “review” chân thực nhất cho bạn, đồng thời cũng có thể giúp bạn đưa ra những lời khuyên hữu ích.

Ngoài ra, bạn có thể tham gia những hội nhóm trên Facebook về ngành nghề mà bạn quan tâm, theo dõi những người có kiến thức, làm nghề và có sức ảnh hưởng nhất định trong ngành đó. Bạn sẽ học được rất nhiều từ những chia sẻ của họ. Tuy nhiên, bạn cần lựa chọn những nguồn thông tin chính đáng.

Trải nghiệm thật nhiều

Chính vì bản thân mình vẫn luôn loay hoay, mông lung không biết mình thích gì nên mình không ngại thử và làm những điều mới. Đây là bài học lớn nhất mà mình nhận được: Đôi khi cách nghĩ của mình sẽ không như thực tế vốn có của nó. Chỉ khi bạn làm, bạn sống trong môi trường đó bạn mới có cái nhìn khách quan hơn. Từ đó, mới biết điều gì thật sự là phù hợp với bản thân. Càng trải nghiệm, bạn sẽ khám phá thêm rất nhiều điều nữa có ý nghĩa. Hãy tận dụng mọi thời gian và sự nhiệt huyết của tuổi trẻ để trải nghiệm và cho mình những câu trả lời thích đáng.

Hãy không ngừng học tập

Bạn biết đấy, 27 tuổi mình mới bắt đầu với công việc Content và nếu như mình không cố gắng học tập thì mình cũng không thể làm công việc yêu thích như bây giờ. Mình học từ các khoá học, từ việc đọc sách, mỗi ngày mình đều đọc ở Facebook các trang liên quan đến nghề, và mình luôn tự học. Với mình, học càng nhiều mình càng có nhiều cơ hội. Và khi bạn thực sự bắt đầu, tự nhiên bạn sẽ biết đâu là điều phải làm tiếp theo, rồi tiếp theo nữa. Những con đường mới sẽ dần dần mở ra với bạn.

Khi viết những dòng này, mình chỉ mong sẽ giúp bạn vượt qua những suy nghĩ tiêu cực và có hướng đi mới tốt hơn. Đừng chờ đợi bất cứ điều gì? Nếu chưa có câu trả lời hãy cố gắng đi tìm câu trả lời nhé.

Hãy để bản thân quyết định mọi thứ và làm chủ cuộc sống. Đừng ngồi yên, hoang mang và ôm mãi suy nghĩ Không biết mình thích gì? Mình giỏi gì?

Đọc thêm:

You may also like

Leave a Comment