Gen Z cần rèn luyện những kỹ năng gì?

by Diên Vĩ
Kỹ năng mềm quan trọng cho thế hệ Z

Dù thời sinh viên đã qua nhưng nhiều lúc mình ngẫm nghĩ lại. Có nhiều điều mình đã cố gắng và những điều thời gian đó mình chẳng biết để học. Có những điều mình ước mình được biết sớm hơn. Nếu chuyên môn được xem là ưu tiên hàng đầu thì các kỹ năng mềm không kém phần quan trọng. Dưới đây là 10 Kỹ năng mềm cần thiết nhất mà mình đúc kết được. Bài viết dưới đây mang tính chất chia sẻ và không giáo dục ai cả ạ. Các bạn có thể tham khảo và chọn lọc cho riêng mình nhé.

1. Kỹ năng Giao tiếp

Kỹ năng Giao tiếp

Không chỉ riêng mình, mà tất cả mọi người đều có thể nhận thấy Kỹ năng Giao tiếp là một trong những Kỹ năng mềm quan trọng nhất. Gia đình, bạn bè, thầy cô, đồng nghiệp, quản lý, mọi người xung quanh đều luôn cần phải kết nối với nhau. Không ai đủ tự tin để nói rằng mình là người giỏi giao tiếp; ai cũng cần phải rèn luyện và học hỏi mỗi ngày. Với kỹ năng này, mình đã rèn luyện và rút ra được những điều như sau:

  • Đọc sách: Muốn giao tiếp hiệu quả hãy đọc các sách về giao tiếp. Sau khi đọc các sách về giao tiếp mình rút ra được bài học là xây dựng mối quan hệ là rất và rất quan trọng. Đồng thời, đọc bất cứ cuốn sách nào để làm chúng ta có thêm kiến thức, thay đổi cách suy nghĩ để những cuộc nói chuyện sẽ trở nên có chiều sâu hơn.
  • Cố gắng gặp gỡ, kết nối với nhiều người và tùy thuộc vào mỗi người, hoàn cảnh khác nhau để có cách ứng xử phù hợp.
  • Nụ cười: Hãy luôn cố gắng có một gương mặt thật tươi, cười nhiều hơn thay vì một gương mặt lạnh lùng. Một người hay cười, gương mặt sáng sẽ luôn tạo sự thân thiện cho người khác.
  • Trước khi có những cuộc trò chuyện quan trọng, nên có sự chuẩn bị nội dung kỹ càng cho cuộc trò chuyện đó. Ngoài ra, chỉ cần tìm được điểm chung giữ mình và đối phương thì cuộc giao tiếp sẽ trở nên dễ dàng. Nếu chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy tìm hiểu để biết được người đó quan tâm về vấn đề gì, sở thích của họ là gì. Đây là cách giúp tạo khoảng cách gần hơn và cuộc trò chuyện trở nên thoải mái hơn.
  • Và điều quan trọng nhất khi giao tiếp là cần có sự tôn trọng, sự chân thành và sự tập trung.

2. Kỹ năng Thuyết trình

Trong học tập, chúng ta không thể nào bỏ qua các bài tập thuyết trình. Và trong công việc, dĩ nhiên chúng ta sẽ phải trình bày những ý tưởng, ý kiến trong các cuộc họp. Vậy làm sao để tự tin thuyết trình, mọi người lắng nghe một cách tích cực?

Sau đây là những cách mình áp dụng:

  • Hiểu rõ nội dung mình sẽ trình bày; đặt mình vào góc độ của người nghe để hệ thống nội dung cần trình bày một cách dễ hiểu nhất. Tránh lan man.
  • Chuẩn bị nội dung thật kỹ, luyện tập thật nhiều.
  • Trước khi thuyết trình hít thật sâu và tạo tâm lý thoải mái nhất; luôn xem mình là người chia sẻ và người nghe như là những người bạn của mình.
  • Sử dụng ngôn ngữ hình thể; có thể di chuyển trong quá trình trình bày, nói có ngữ điệu; nhấn mạnh ở những nội dung chính.
  • Đặt câu hỏi trong phần thuyết trình , thường mình sẽ hỏi ở phần mở đầu để dẫn dắt mọi người vào chủ đề và tạo không khí cho buổi thuyết trình sôi nổi hơn.
  • Đưa ra những ví dụ cụ thể để bài thuyết trình gần gũi với người nghe hơn.
  • Những lúc rảnh mình xem TED Talks vừa xem cách họ trình bày vừa học tiếng Anh.

3. Kỹ năng Làm việc Nhóm

Có thể hiểu là nhiều người kết hợp các thế mạnh của mình để hoàn thành công việc của một đội nhóm, tập thể. Ở đây, mỗi người sẽ có một ý tưởng riêng, cái hay riêng nên cũng sẽ là cơ hội để học hỏi. Để đạt hiệu quả cần sự cố gắng của tất cả mọi người.

– Làm việc vì kết quả chung của tập thể.

– Mọi người có tinh thần trách nhiệm và thái độ tích cực, lắng nghe ý kiến của nhau.

– Nếu bạn làm những với những người bạn lười nhác thì sao? Cứ làm tốt phần việc của mình, có thể làm nhiều hơn phần của mình. Bạn sẽ nhận được nhiều hơn bạn nghĩ đấy ạ. Càng làm nhiều càng học được nhiều.

4. Kỹ năng Tư duy Phản biện

Nói một cách dễ hiểu là mình quan sát, lắng nghe, sử dụng những lập luận để phân tích vấn đề từ đó có quan điểm của riêng mình. Đây là kỹ năng tạo cho bạn sự linh hoạt, nhạy bén, sáng tạo hơn từ đó giúp phát triển kỹ năng Giải quyết vấn đề.

Kỹ năng này ở các nước phương Tây rất đánh giá cao vì phần liên quan đến giá trị văn hóa: ”Đề cao quan điểm cá nhân“. Trước đây, mình là sinh viên ngoại ngữ, các giảng viên của mình hầu hết áp dụng phương pháp giáo dục phương Tây và thường có những buổi học phản biện như thế này. Giáo viên luôn ủng hộ trình bày quan điểm và tôn trọng ý kiến của sinh viên, cùng nhau phân tích nhiều khía cạnh của vấn đề.

Chúng ta có thể rèn luyện bằng cách quan sát và đặt ra những câu hỏi: Tại sao? Như thế nào? Bằng cách nào? Như thế này đã tốt chưa? Nếu chưa cần khắc phục như thế nào?

5. Kỹ năng Giải quyết Vấn đề

Trong cuộc sống sẽ có rất nhiều vấn đề nảy sinh. Chẳng hạn, trong công việc gặp phải rất nhiều tình huống với khách hàng. Khi có vấn đề nào đó xảy ra, bạn phân vân không biết giải quyết theo hường nào. Chính vì vậy, như mình đã nói ở trên rèn luyện Kỹ năng Tư duy Phản biện để chúng ta có thể giải quyết vấn đề một cách thấu đáo hơn. Kỹ năng này tùy thuộc vào trường hợp cụ thể để có cách giải quyết. Đặc biệt, mình thấy ngành dịch vụ, kỹ năng này đòi hỏi rất cao. Hãy cố gắng thật bình tĩnh để giải quyết.

6. Kỹ năng Tìm kiếm Thông tin

Chúng ta đang sống trong thời đại của thông tin. Và bất kỳ việc gì cũng đều cần tiếp nạp thông tin. Chẳng hạn, khi viết Content quá trình tìm kiếm và thu thập thông tin rất quan trọng. Ở kỹ năng này, chúng ta cần:

– Biết rõ mình cần tìm kiếm thông tin gì

– Sử dụng những từ khóa quan trọng liên quan đến chủ đề bạn cần tìm

– Tìm ở những trang uy tín, có nhiều người đánh giá cao.

– Chọn lọc thông tin chính xác, lưu hoặc ghi chép lại những thông tin khi bạn thấy phù hợp.

– Lướt nhanh những nội dung không cần thiết tránh sao nhãng và mất thời gian.

7. Kỹ năng Quản lý Thời gian

Tối ưu thời gian

Có lúc nào bạn cảm thấy một ngày 24h trôi qua quá nhanh? Và bạn vẫn chưa làm được gì cả?. Làm sao để cân bằng thời gian cho công việc, nghỉ ngơi, hay mối quan hệ. Đây là cảm giác của mình trong thời gian gần đây. Mình phải cân bằng giữa công việc, học và ôn luyện ba ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Trung, đồng thời cũng bắt đầu dấn thân vào nghề content phải đọc nhiều sách hơn. Có những ngày mình chỉ làm theo những gì mình thích, cứ tùy hứng, hay có những hôm mình cứ làm một việc rồi cảm giác trách bản thân cứ diễn ra.

Mình cũng đã nghiêm túc dành một khoảng thời gian để xác định lại mục tiêu rồi lên kế hoạch rõ ràng, quản lý thời gian bằng cách:

– Đầu tiên, xác định việc nào quan trọng nhất, ước lượng thời gian hoàn thành.

– Mỗi ngày viết ra những việc phải làm trong ngày- To do List càng cụ thể càng tốt, sắp xếp thứ tự ưu tiên.

– Và sau đó cố gắng hoàn thành các công việc theo kế hoạch.

8. Kỹ năng Quản lý Tài chính

Chi tiêu-Tiết kiệm-Đầu tư là Ba điều quan trọng trong Quản lý tài chính.

– Chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu: Tiền ở trọ, tiền ăn uống, mua các đồ dùng trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.

 Mối quan hệ: Chúng ta luôn có nhu cầu phải gặp gỡ, giao lưu vì vậy nên luôn dành một khoản.

– Học tập: Mua sách đọc, đăng ký các khóa học online.

– Đi du lịch: Du lịch là cách để mở mang kiến thức, làm mới tinh thần cũng như có những trải nghiệm đáng giá. Nếu tài chính có ít đi những nơi gần sau đó tích dần để đi những chuyến đi xa hơn.

– Tiết kiệm: Để dành một khoản tiết kiệm cho những kế hoạch ở tương lai, hay phòng khi có chuyện phát sinh như đau ốm.

Đây cũng là bài học mình đọc từ cuốn sách “Tony Buổi sáng trên đường băng”.

9. Kỹ năng Ngoại ngữ

Sách ngoại ngữ là một phần không thể thiếu với mình

Chúng ta đang trong thời kỳ hội nhập nên việc học ngoại ngữ là thiết yếu . Học ngoại ngữ là một hành trình dài và đối với riêng mình đó là cả đời, đòi hỏi sự kiên trì. Hãy cố gắng thành thạo tối thiểu một ngoại ngữ càng sớm càng tốt. Không chỉ là tiếng Anh, nếu bạn có niềm hứng thú với bất kỳ ngoại ngữ nào tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Hàn… Hãy cứ bắt đầu học từ bây giờ.

Có thể nói rằng, học ngoại ngữ đã làm thay đổi mình rất nhiều. Không chỉ là giúp ích cho công việc mà bạn có thể giao tiếp với mọi người khắp các nước, học thêm nhiều điều hay từ họ. Và kinh nghiệm của mình là học ngoại ngữ gắn liền với học văn hóa. Tôn trọng văn hóa. Từ đó, mình sẽ hiểu cách diễn đạt ngôn ngữ sao cho phù hợp hơn.

10. Kỹ năng tin học

Kỹ năng tin học

– Các kỹ năng tin học cơ bản: Word, Excel, Powerpoint.

– Kỹ năng viết email, sử dụng Google drive sao cho hiệu quả.

– Các phần mềm thiết kế: Photoshop, Canva…

Tùy thuộc chuyên ngành để học thể học sâu hơn đối với yêu cầu về chuyên ngành đó.

Ngoài ra, còn có một số kỹ năng quan trọng khác, như:

  • Kỹ năng Thích nghi
  • Điều khiển cảm xúc
  • Kỹ năng Tự học

KẾT LUẬN

Đây tất cả là những gì mình đã được học, được đọc và được trải nghiệm; có thể nói đây là kinh nghiệm đúc kết trong suốt thời gian sinh viên và sau vài năm đi làm của mình. Mình cũng đang rèn luyện những kỹ năng mềm này để tốt hơn mỗi ngày. Là những người trẻ, các bạn hãy trang bị và rèn luyện 10 kỹ năng mềm cho bản thân trên để tự tin và thành công trong cuộc sống nhé.

Mình hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho các bạn!

You may also like