07 TRIẾT LÝ CUỘC SỐNG CỦA NGƯỜI NHẬT

by Diên Vĩ

Sau hai năm sống ở Nhật cho đến khi trở về bây giờ, điều khiến mình nhớ nhất đó là những tình cảm, là nét văn hóa, là sự bình yên. Ngày ấy, bất kể gặp ai trên đất Nhật, mình cũng điều hỏi một câu hỏi “Hạnh phúc đối với bạn là gì?”. Mình đã được học, được đọc, được lắng nghe về những câu chuyện và những bài học về cuộc sống Nhật Bản. Đối với mình, càng tìm hiểu văn hoá của người Nhật Bản càng có nhiều nét đẹp ẩn giấu bên trong, khiêm nhường và thanh tao, sự khéo léo cùng bao sự tinh tế.

Sau đây là 7 triết lý của người Nhật mình đã được tìm hiểu và khiến mình thay đổi rất nhiều. Với mỗi triết lý, mình cũng muốn giới thiệu những cuốn sách thể hiện tinh thần và mọi góc nhìn gần gũi với mỗi triết lý. Cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé.

1. Ikigai 生き甲斐– Tìm Ra Lẽ Sống Của Cuộc Đời

Ikigai 生き甲斐– Triết lý Tìm Ra Lẽ Sống Của Cuộc Đời

Iki có nghĩa là cuộc sống, gai có nghĩ là mục đích, phương châm, Ikigai có thể hiểu là“giá trị trong cuộc sống” và người vùng Okinawa-nơi có những người sống thọ nhất thế giới gọi nó là “lý do để thức dậy vào buổi sáng”.

Khái niệm Ikigai không còn quá xa lạ đối với chúng ta, đặc biệt những ai đang trên hành trình đi sâu vào bên trong, tìm hiểu chính mình. Để xác định công việc, sự nghiệp hay sâu xa là hạnh phúc trong cuộc sống.

Để tìm được “Ikigai”, mọi người cần tự trả lời 4 câu hỏi:

  • Bạn yêu thích điều gì?
  • Bạn giỏi điều gì?
  • Thế giới cần gì từ bạn?
  • Bạn có thể được trả tiền để làm gì?

Việc tìm kiếm giao lộ giữa những điều này có thể giúp bạn sống một cuộc sống hạnh phúc và có ý nghĩa. Để hiểu rõ và có thể áp dụng cho cuộc sống hiệu quả hơn cùng tìm đọc cuốn sách: Ikigai – Bí Mật Sống Trường Thọ Và Hạnh Phúc Của Người Nhật

Ikigai- Đi tìm lẽ sống (Nguồn ảnh: Sưu tầm)

2. Ichigo-Ichie 一期一会 – Trân Trọng Từng Khoảnh Khắc Bên Nhau

Triết lý này được gói gọn trong câu thành ngữ 一期一会 của người Nhật: Ichigo Ichie – Nhất kỳ nhất hội.一期-Ichigo mang ý nghĩa khoảng thời gian con người sinh ra cho đến lúc mất đi. 一会 mang ý nghĩa bắt gặp một việc gì đấy hay gặp gỡ một ai đó.

Nhất Kỳ Nhất Hội – “một lần, một cuộc gặp gỡ”, haymột đời người chỉ gặp được một lần”.

Câu thành ngữ được đúc kết lại từ lời dạy của bậc thầy Sen no Rikyuu với các học trò của mình về ý nghĩa của việc thưởng trà. Nó gắn liền với nghi lễ trà đạo của Nhật Bản. Là một cụm từ vô cùng quan trọng với ý nghĩa ta thưởng trà với người đó một lần, cơ hội gặp lại người đó lần thứ hai sẽ không có vì ta mang tâm thế như thế mà pha trà. Người chủ nhà cùng những vị khách của mình quý trọng từng chi tiết được chuẩn bị của buổi lễ và tham dự nó bằng cả trái tim mình, chân thành với đối phương với ý thức rằng mỗi khoảnh khắc đều thật đặc biệt và độc nhất.

Ichigo Ichie nhắc nhở con người rằng: Hãy sống thật trọn vẹn từng khoảnh khắc vốn chỉ có một lần trong đời, hãy trân trọng hiện tại bởi hiện tại là một món quá vô giá nếu để nó trôi qua mà không trân trọng, cơ hội sẽ vĩnh viễn biến mất. Trân trọng tất cả những mối nhân duyên ở thời khắc hiện tại là ý nghĩa thật sự của Nhất Kì Nhất Hội.

Ichigo ichie – Nhất kỳ nhất hội không chỉ được nhắc đến trong nghi thức trà đạo của người Nhật mà ý niệm này xuất hiện trong thời đại ngày nay. Trong cuộc sống thường ngày, hãy đặt mình với câu hỏi “Liệu rằng mình đã đối xử với người thân, những người bên cạnh mình với tâm thế- Chỉ gặp một lần trong đời hay không?”

Ichigo-Ichie 一期一会 –Nhất Kỳ Nhất Hội

Cuốn sách Ichigo ichie – Nhất kỳ nhất hội – chia sẻ những điều đáng quý về triết sống “trân trọng hiện tại”, “trân trọng khoảnh khắc”.

WABI-SABI 侘び-寂び – Vẻ Đẹp Của Những Điều Không Hoàn Hảo

Trong tiếng Nhật, “Wabi-侘び” có nghĩa là vẻ đẹp mộc mạc, giản đơn bất đối xứng và không cân bằng, còn “Sabi-寂び” là dòng chảy của thời gian, vẻ đẹp toát ra từ sự điềm nhiên, tĩnh lặng, và trường tồn theo năm tháng.
Wabi Sabi là triết lý sống tập trung vào các khiếm khuyết nhưng không phải để phán xét, tìm kiếm những thứ không hoàn hảo, tôn vinh những thứ cũ kỹ và vô thường. Triết lý này giúp con người nhìn nhận sự việc theo một cách đơn giản, chấp nhận và tìm thấy vẻ đẹp chưa hoàn thiện và đòi hỏi việc cảm nhận thế giới bằng tất cả mọi giác quan.

Một trong những ví dụ điển hình cho triết lý sống này là nghệ thuật “kintsukuroi’’ hay “kintsugi’’. – Kintsukuroi là một nghệ thuật sửa đồ gốm bị vỡ bằng một lớp sơn phủ vàng hoặc bạc của người Nhật thay vì ghép các mảnh gốm lại bằng keo dính hay bỏ đi. Tạo nên một phiên bản đặc biệt hơn, với tâm niệm rằng món đồ sẽ trở nên đẹp đẽ và có giá trị hơn khi chúng đã trải qua đổ vỡ, trải qua dòng chảy thời gian. Cũng như con người chúng ta, chẳng có ai hoàn hảo cả.

Triết lý của người Nhật WABI-SABI 侘び-寂び – Vẻ Đẹp Của Những Điều Không Hoàn Hảo

Xem thêm: Cuốn sách Wabi Sabi-Thương những điều không hoàn hảo

Itadakimasu 頂きます– Chân Thành Đón Nhận

頂(Đính) biểu thị ý nghĩa là“nhận”. Người Nhật rất tôn trọng đồ ăn và thường nói “Itadakimasu” trước khi ăn. Cụm từ này có nghĩa là ‘Tôi khiêm nhường đón nhận’. Itadakimasu liên quan đến khái niệm Phật giáo về sự tôn trọng đối với tất cả các sinh vật và là một cách cảm ơn các loài thực vật và động vật.

Itadakimasu gói trong đó sự trân trọng với không chỉ tự nhiên, mà với cả công sức của những người đã tạo ra những món ăn – “Tôi rất cảm kích và xin được nhận bữa ăn này” – có lẽ đó mới là câu diễn tả đủ ý nghĩa của Itadakimasu. Đó cũng là một cách để cảm ơn tất cả những người đã tham gia vào bữa ăn – từ các đầu bếp đã chuẩn bị bữa ăn cho đến người nông dân, ngư dân đã tạo nên những sinh vật, họ xứng đáng nhận được sự biết ơn đó.

Itadakimasu 頂きます– Chân Thành Đón Nhận

Omoiyari 思い遣り-Từ Bi Vô Vị Kỷ

“Omoi ” – cách bạn quan tâm chính bản thân mình và “Yari” – dành sự quan tâm, ân cần này đến cho những người khác. Omoiyari được hiểu “Nghĩ cho người khác; đặt mình vào hoàn cảnh và nhìn từ góc độ của người khác, sau đó hành xử sao cho phù hợp“.

Omoiyari là dự đoán nhu cầu của người khác, một cách vị tha, tràn đầy lòng cảm thông, từ bi – chứ không mong chờ phần thưởng hay sự đền đáp. Omoiyari là một dạng từ bi vô vị kỷ: Đặt bản thân vào hoàn cảnh của người khác và từ đó hành xử sao cho họ cảm thấy thư thái, hạnh phúc hay dễ chịu. Với mỗi nơi ta từng đến, ta đều khiến nơi đó tốt đẹp hơn hoặc ít nhất là tương tự lúc ta bước vào. Điều đó thể hiện sự tôn trọng – với chính mình, với những người xung quanh và với cả môi trường. Bởi vì – một hành động ân cần dù nhỏ nhất cũng có thể tạo nên một thế giới khác biệt.

Bạn có thể tìm hiểu thêm về văn hóa và ứng xử Nhật Bản qua cuốn sách “Omoiyari- Nghệ thuật đối nhân xử thế của người Nhật”.

Kaizen 改善– Thay Đổi Để Trở Nên Tốt Hơn

Kaizen được ghép bởi 2 chữ 改 (kai – cải) và 善 (zen – thiện), dịch ra là “cải thiện“. Kaizen thường được biết đến với ý nghĩa là “thay đổi để tốt hơn” nhưng Kaizen còn bao hàm cả ý nghĩa là “liên tục cải thiện”. Bản chất của Kaizen chính là chia nhỏ vấn đề, cố gắng hoàn thiện từng phần và liên tục đặt câu hỏi để tìm ra giải pháp tối ưu hơn. Kaizen chính là: Lên kế hoạch – Hành động – Kiểm tra, cải tiến để tốt hơn – Duy trì mỗi ngày. Triết lý này không chỉ áp dụng trong công việc mà trong đời sống hằng ngày, không chỉ dành cho doanh nghiệp, tập thể mà còn là lời nhắc nhở cho mỗi cá nhân chúng ta. Hãy luôn cố gắng không ngừng nghĩ để trở nên tốt hơn.

Kaizen 改善– Triết lý Thay Đổi Để Trở Nên Tốt Hơn của người Nhật

Danshari 断捨離 Sống Tối Giản – Đơn Giản Hơn Để Hạnh Phúc Hơn

Danshari bắt nguồn từ ba hán tự: Dan (từ chối), Sha (vứt bỏ) và Ri (Tách biệt) dùng để chỉ lối sống tối giản, vứt bỏ những đồ dùng không cần thiết. “Sống tối giản là lối sống cắt giảm đồ dùng trong nhà, chỉ giữ lại những vật dụng cần thiết nhất. Lợi ích của lối sống này không đơn thuần chỉ là lợi ích bên ngoài như không gian thoáng đãng, dọn dẹp dễ dàng… mà nó còn mang lại lợi ích cho chính tâm hồn.”- Trích từ cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật” của tác giả Sasaki Fumio 

Tương truyền rằng, từ thời kỳ Edo, người Nhật Bản đã bị giới hạn bởi các luật lệ ngăn chặn sự khoe khoang của cải, vật chất và tài sản. Cùng với những đặc trưng về điều kiện địa lý, đất nước này thường xuyên gặp phải động đất mà 30-50% nguyên nhân thương vong là do đồ đạc rơi vỡ. Điều ấy khiến người Nhật buộc phải tối giản nhiều hơn đồ đạc, nội thất.

Dần dần, Danshari đã trở thành lối sống và là biểu tượng trong phong cách sinh hoạt của người Nhật.

Tối giản còn được biểu hiện ở các khía cạnh trong cuộc sống:

  • Tối giản thông tin: chọn lọc những thông tin hữu ích và tích cực để theo dõi.
  • Tối giản mối quan hệ: tập trung thời gian cho những mối quan hệ thân thiết “chất lượng hơn số lượng”.
  • Tối giản giải trí: Chọn lọc những chương trình bên cạnh việc giải trí còn đem lại giá trị nhân văn, giá trị kiến thức…

Giá trị cốt lõi của sống tối giản chính là hướng tới một cuộc sống đơn giản, hạnh phúc, tập trung vào những điều thực sự có giá trị. Phong cách sống tối giản ngày càng được giới trẻ quan tâm và áp dụng theo trong cuộc sống.

Với những thông điệp được gửi gắm từ mỗi triết lý trên, hy vọng bạn và mình sẽ có thể áp dụng vào cuộc sống. Sống một cuộc sống hạnh phúc.

You may also like

Leave a Comment