Kỹ Năng Chọn Lọc Thông Tin Giữa Thời Đại Thông Tin

by Diên Vĩ

Chúng ta đang sống trong thời đại của thông tin.

Khi mà quảng cáo và tin tức tràn lan trên mạng, không có sự kiểm soát. 

Bạn có thừa nhận rằng bạn ít nhiều chịu ảnh hưởng từ nguồn thông tin mà bạn tiếp nhận mỗi ngày: Áp lực đồng trang lứa hay sự thèm khát được công nhận…

Nhiều người dành thời gian để quan sát cuộc sống của người khác còn nhiều hơn là đầu tư vào cuộc sống của chính mình.

Những tiêu đề “Mình đã kiếm 100 triệu khi làm Freelancer“ , “Mình nâng cao thu nhập nhờ khóa học X“ , “Kiếm được X ở độ tuổi 20“…

Những hình ảnh sang trọng, những chuyến du lịch nhiều vô kể…

Và rồi khiến chúng ta có phần tự ti với bản thân và có chút ghen tị với cuộc sống của họ.

Những tin tức với tiêu đề giật gân, những Content bẩn nhằm câu view.

Để rồi chúng ta lại phải thốt lên rằng “Ngày xưa đọc báo để lấy kiến thức, nay phải có kiến thức mới đọc được báo”.

Suy cho cùng những gì chúng ta thấy trên mạng xã hội chưa hẳn là sự thật, người ta chỉ cho mình thấy cái mà người ta thực sự muốn mình thấy.

Vậy có thể làm gì bây giờ? Chúng ta không thể kiểm soát thông tin nhưng có thể kiểm soát cách mình chọn lọc và tiếp nhận những thông tin đó.

Sau đây là những cách mình áp dụng và gợi ý đến bạn để chọn lọc thông tin hữu ích hơn.

1/ Xác định mục tiêu

Trước khi bắt đầu đọc hoặc xem một nguồn thông tin, cần xác định mục tiêu của bạn. Bạn đang cố gắng tìm hiểu điều gì hoặc đạt được từ thông tin này? Điều này giúp bạn tập trung vào thông tin quan trọng và loại bỏ thông tin không liên quan.

2/ Thiết lập giới hạn thời gian

 Mỗi ngày chỉ nên dành ra một khung giờ cố định với thời gian nhất định để lướt newsfeed. Hạn chế thời gian của bạn cho việc tiêu thụ thông tin trên mạng xã hội hoặc trang web tin tức. Điều này giúp bạn tránh mất quá nhiều thời gian vào thông tin không cần thiết. Tránh sử dụng điện thoại khi khi bạn vừa mới thức dậy hoặc trước khi đi ngủ, điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần của bạn rất nhiều.

3/ Theo dõi và đăng ký những kênh chất lượng, có ích

Bạn có thể theo dõi danh sách các kênh YouTube, trang web, hoặc podcast phù hợp với sở thích của bạn. Những kênh với nhiều lượt theo dõi và nhận nhiều phản hồi tích cực từ người đọc. Các kênh này thường cung cấp các kiến thức, tin tức và giúp bạn phát triển hơn trong lĩnh vực bạn muốn theo đuổi.

Ví dụ, mình thường truy cập trang web của cô Nguyễn Phi Vân để phát triển bản thân, bản tin của chị Linh Phan để cập nhật về viết lách và làm việc tự do…
Điều này giúp mình theo dõi các nguồn quan trọng và không bỏ lỡ thông tin quan trọng.

4/ Tập trung vào chất lượng thay vì số lượng

Thay vì cố gắng tiêu thụ càng nhiều thông tin càng tốt, hãy tập trung vào việc tiêu thụ thông tin chất lượng và có giá trị. Điều này giúp bạn tiết kiệm thời gian và tận dụng tối đa thông tin bạn học được. Hạn chế tiếp nhận những thông tin tiêu cực.

5/ Luôn đặt câu hỏi và phân tích

 Luôn tự đặt câu hỏi khi tiêu thụ thông tin với nguyên tắc 5W-1H lâu nay. Cụ thể:

  • What- Cái gì: Bạn sẽ tự hỏi về nội dung chính của thông tin đó là gì.
  • Who- Ai: Bạn sẽ tự hỏi nguồn thông tin này liên quan đến ai. Ai thực hiện sự việc.
  • When- Khi nào: Thời điểm xảy ra sự kiện hoặc thông tin.
  • Where- Ở đâu: Bạn sẽ xác định nơi diễn ra sự việc và thông tin đó xuất phát từ nguồn nào.
  • Why- Tại sao: Tại sao sự việc lại xảy ra và tại sao nó quan trọng?
  • How- Thế nào: Câu hỏi này tập trung vào cách thức sự việc diễn ra, hoặc cách thông tin đó được xây dựng và truyền tải. Bạn sẽ tìm hiểu về quy trình thông tin được truyền tải và làm sao họ biết được thông tin đó.
  • Và “Có nguồn thông tin nào khác xác nhận hay bác bỏ điều này không?” để đánh giá tính xác thực của thông tin. Luôn cân nhắc thông tin từ nhiều góc độ.

Việc sử dụng nguyên tắc “5W-1H” giúp bạn có cái nhìn toàn diện hơn về thông tin, giúp đánh giá tính đáng tin cậy và đưa ra nhận định khách quan hơn về một thông tin hoặc tài liệu cụ thể.

Sự phát triển của truyền thông mang đến rất nhiều lợi ích. Hầu như chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy mọi thứ mình cần để học tập, nghiên cứu, tìm được cách kết nối với mọi người. Tuy nhiên, việc phải lựa chọn thông tin chất lượng và đáng tin cậy trở nên cần thiết và có phần khó khăn. 

Chọn lọc thông tin là một quá trình cần rèn luyện và đòi hỏi sự cân nhắc. Hy vọng với việc áp dụng những cách trên, bạn có thể tối ưu hóa khả năng lọc thông tin của mình và tận dụng thời đại thông tin một cách hiệu quả hơn.

Xem thêm: 10 kỹ năng mềm Gen Z cần rèn luyện

You may also like

Leave a Comment